Chuối hột đang được nhiều người dùng như một biện pháp phòng, giải quyết bệnh tật. Tuy nhiên, cũng có một số thông tin cho rằng chuối hột rừng không tốt cho sức khỏe. Vậy chuối hột có tốt không? Chúng có những công dụng gì cho sức khỏe? Bạn hãy cùng chuoihotbackan.com tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Thông tin về cây chuối hột
Chuối hột còn gọi là chuối chát, có tên khoa học là Musa acuminata Colla, thuộc họ chuối (Musaceae). Đây là loại chuối dại bản địa ở Đông Nam Á và là một trong những loài tổ tiên của cây chuối hiện đại. Chuối hột lần đầu được miêu tả năm 1820 bởi nhà thực vật học người Ý Luigi Aloysius Colla. Hiện ở Việt Nam chuối hột không phải cây ăn quả mà được dùng như một vị thuốc trong đông y.
Về điều kiện sinh sống thì cây chuối hột thường mọc hoang và cũng được trồng ở một số tỉnh trên cả nước. Đặc biệt là những vùng rừng núi, khe suốt, dưới tán rừng thưa nơi đất xốp, độ ẩm cao. Số liệu thống kê cho thấy, cây mọc đặc biệt nhiều ở Trường Sơn, Tây Bắc (ví dụ như chuối hột Bắc Kạn), miền Trung, Bắc Trung Bộ…
Loại cây này có thân giả cao từ 3 – 4 mét, lá hình phiến dài, mặt dưới có thể có tía. Phần cuống màu xanh, có sọc đỏ. Khác với chuối nhà (chuối trồng lấy quả ăn), hoa chuối hột rừng thường mọc thẳng đứng ở ngọn, có màu đỏ thâm thẫm (còn gọi là chuối rừng hoa đỏ – Musa paracoccinea A.Z. Liu. & D.Z. Li), số nải ít hơn 10, mo quấn lên.
Quả chuối chát rừng bên ngoài cũng có đặc điểm chung của các loại quả họ chuối nhưng nhỏ hơn nhiều so với chuối nhà. Quả có cạnh, thịt nạc. Tuy nhiên, sau khi cắt quả ra thì thấy toàn hạt to chừng 4 – 5mm. Khi chín, vỏ quả chuối hột cũng có màu vàng rất đẹp.
Công dụng của chuối hột với sức khỏe
Hiện nhiều người dùng quả chuối chát như một vị thuốc và quả càng xanh thì nhựa càng nhiều, hỗ trợ điều trị bệnh càng tốt. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng toàn bộ cây chuối chát đều có thể làm thuốc phòng và hỗ trợ điều trị nhiều chứng bệnh khác nhau. Chia sẻ trên báo Sức khỏe & đời sống, Lương y Hoàng Duy Tân cho biết:
– Trái chuối hột:
Trái chuối hột thường to bằng ngón tay cái của người trưởng thành, khi còn non có màu xanh, có loại có vỏ màu tím. Chuối hột tươi có hạt nhiều, khi chín màu vàng ươm, ăn ngọt lịm. Tuy nhiên, do hạt quá nhiều mà người ta không dùng để ăn như chuối thông thường mà chỉ lấy trái để ngâm rượu; sơ chế để ăn cùng nộm, gỏi cho khỏi tiêu chảy; xổ giun.
Đặc biệt quả chuối hột thường được dùng kết hợp với một số vị thuốc khác để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân tiểu đường, viêm thận, tăng huyết áp, trẻ em bị táo bón, sỏi bàng quang, bệnh thống phong (bệnh gút), hắc lào. Tuy nhiên, cần lưu ý là không trực tiếp ăn quả chuối rừng còn non vì rất dễ ngộ độc hoặc táo bón. Bởi quả chuối hột non chứa lượng chất tanin rất lớn.
– Hạt chuối hột:
Điểm khác biệt lớn nhất và cũng là lý do khiến chuối chát được dùng làm thuốc là loại chuối này có hạt to, nhiều hạt. Hạt chuối chát có lớp vỏ đen, bên trong có bột trắng. Để làm thuốc, người ta cần tiến hành lấy hạt chuối rừng bằng cách để chuối chín, lấy quả về bóc vỏ, bóp nhuyễn rồi rửa bằng nước sạch cho thịt quả trôi đi. Hạt chuối rửa xong chỉ cần phơi qua rồi sao cho khô và thơm nhẹ là được.
Cách dùng hạt chuối chát cũng rất đơn giản chỉ cần ngâm với rượu hoặc tán nhỏ rồi sắc nước uống hàng ngày là được. Hạt chuối hột có khả năng giảm đau, tiêu sưng, hỗ trợ điều trị đau lưng, chân tay nhức mỏi, thấp khớp, sỏi thận, sỏi bàng quang….
– Vỏ quả chuối hột:
Không dừng lại ở quả và hạt mà chính vỏ quả chuối chát cũng là một vị thuốc tốt. Phụ thuộc vào từng chứng bệnh, người ta thường để cho quả chín vàng rồi bóc lấy vỏ, thái nhỏ, phơi khô, sao cho hơi vàng hoặc tán bột để dùng kết hợp với các vị thuốc khác để nâng cao hiệu quả. Theo Lương y Hoàng Duy Tân, vỏ quả chuối hột hiện đang được dùng trong việc hỗ trợ điều trị đau bụng kinh niên, tiêu chảy, kiết lỵ.
– Hoa chuối hột:
Đây cũng là một vị thuốc quý có thể thu được từ cây chuối chát. Loại hoa có màu sắc đỏ rực, mọc thẳng lên trời này thường có vị hơ chát, nếm kỹ sẽ thấy chút ngòn ngọt. Hoa chuối hột cũng có nhiều công dụng cho sức khỏe con người như bổ sung chất sơ, bảo vệ, hỗ trợ điều trị bệnh đường tiêu hóa; luộc hoặc làm nộm ăn có thể tăng tiết sữa ở phụ nữ mới sinh; người nước tiểu đục, thận yếu dùng thì se giúp nước tiểu trong, hòa tan acid dễ đóng cặn trong thận và bàng quang.
– Lá chuối hột:
Nếu lá chuối ăn quả chỉ dùng để gói bánh thì lá chuối chát lại được xem là một vị thuốc tốt. Tùy vào tình trạng sức khỏe và loại bệnh mà người ta có thể lấy lá chuối chát thông thường phơi khô hoặc chuyên chọn các lá bắc (lá có màu đỏ bao bọc buồng chuối). Hiện lá chuối chát đang được dùng để hỗ trợ điều trị băng huyết, nôn ra máu, làm mát phổi, bổ phổi, tiêu độc.
– Thân cây chuối hột:
Thân cây chuối chát mềm, chứa nhiều nước, dễ cắt nhỏ. Thân cây có nhiều lớp, lớp ngoài cùng tiếp xúc với ánh nắng thường ngả sang màu tím, bên trong có màu trắng với lớp xơ lưới khá dày. Khi cắt thân cây chuối chát ra thấy có màu trắng, chảy ra nhiều nước và nhựa. Hiện thân cây chuối hột thường được dùng để giảm đau nhức răng, cầm máu ở vết thương, thanh nhiệt giải khát, hỗ trợ ổn định huyết áp, lợi tiểu, hỗ trợ chữa trị phù thũng.
– Củ chuối hột:
Vị thuốc cuối cùng trong cây chuối chát là củ chuối. Nó thường được dùng để giải quyết tình trạng cảm nóng, sốt cao, háo khát, mê sảng; hỗ trợ điều trị ho ra máu, kiết lỵ ra máu, tim hồi hộp, hay mơ, đêm về trằn trọc khó ngủ; ổn định đường huyết; an thai; tiêu khát, giải độc, kích thích tiêu hóa….
Chuối hột đã và đang là cây thuốc nam được nhiều người tin dùng. Tuy nhiên, khi dùng cần phải gia giảm, phối hợp với các vị thuốc khác tùy theo từng tình trạng cơ thể như cao – hạ huyết áp, thể nhiệt – hàn, cần bổ khí hay bổ huyết…. Nên dùng theo đúng liều lượng, không nên lạm dụng để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.